Như đã giới thiệu ở kỳ 1: Thời gian gần đây, “lan đột biến” đang là chủ đề gây tranh cãi trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn; để rộng đường dư luận và xác minh các thông tin liên quan, Tạp chí Việt Nam Hương Sắc đã phỏng vấn PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, với chủ đề “Lan đột biến, những điều cần biết” trong kỳ này chúng tôi tiếp tục phỏng vấn PGS.TS Đặng Văn Đông về chủ đề “Lan đột biến- Định hướng nuôi trồng và phát triển”.
PV. Thưa ông, kỳ trước ông có trao đổi về việc có thể nhân rộng giống “lan đột biến” bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào (nhân In vitro ) tuy nhiên vẫn có nhiều người cho rằng điều này là không thể, xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này.
PGS.TS. Đặng Văn Đông: Tế bào thực vật có tính toàn năng, tức là mọi tế bào sẽ đều có cùng hệ gen và có khả năng sinh sản vô tính, do đó, chúng có thể được nuôi cấy để tạo ra cơ thể mới. Dựa trên tính toàn năng này, con người đã ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào để nhân giống các loại thực vật, trong đó có cả những thực vật rất quý, hiếm.
Hiện nay phương pháp nhân In vitro đã được các nhà khoa học cải tiến rất nhiều, có 1 số trường hợp nhân từ mô, có trường hợp nhân từ bao phấn, từ noãn, từ mô, từ lát cắt và từ 1 đoạn thân… của cây trồng, trong trường hợp cây lan Phi điệp đột biến, chúng tôi dùng các đoạn đốt thân (kie) để nhân giống, do vậy bản chất của việc nhân giống từ đốt thân trong môi trường nhân tạo (In vitro) và nhân giống bằng đốt thân trong môi trường tự nhiên không khác gì nhau, cây con được nhân ra vẫn giữ nguyên bản chất di truyền của cây mẹ, chỉ có điều là nhân bằng In vitro, trong phòng thí nghiệm - do cây con được sản sinh, nuôi trồng ở điều kiện tối ưu, nên hệ số nhân giống cao hơn, cây con có chất lượng đồng đều hơn, sức sống sau này của cây tốt hơn và vì vậy số lượng hoa/cây, cũng như chất lượng hoa cao hơn so với nhân giống thông thường.
Thực tế ở các nước tiên tiến như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Thái Lan …người ta đều đang sử dụng phổ biến phương pháp này cho cây lan. Ở Việt Nam, Viện chúng tôi và 1 số đơn vị cũng đang ứng dụng phương pháp này cho nhiều loại cây hoa. Hiện tại chúng tôi đang nhân được hàng vạn cây giống “lan Phi điệp đột biến” do 1 người khách đến đặt hàng, với giá chỉ tương đương những cây lan bình thường khác.
Nếu tổ chức, cá nhân muốn phát triển sản xuất lan đột biến thành hàng hóa, với số lượng lớn, chất lượng đồng đều, giá thành hạ, thì việc áp dụng công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy In vitro và công nghệ sản xuất hoa lan trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao, là điều rất cần thiết.
PV: Xét về góc độ sinh vật cảnh, xin ông cho biết “lan Phi điệp đột biến” liệu có đẹp và giá trị đến mức như dư luận vừa qua hay không?, có cách nào để đại đa số người dân yêu cái đẹp có thể tiếp cận được những giống lan này?.
PGS.TS. Đặng Văn Đông: Hiện nay “lan Phi điệp đột biến” mới có giá trị về mặt sinh vật cảnh, chưa có công trình khoa học nào công bố tác dụng làm dược liệu hoặc công dụng khác. Xét về “cái đẹp” thì đây là chỉ tiêu định tính, nên còn phụ thuộc vào con mắt, vào sự cảm nhận, và vào tâm trạng của mỗi người.., với tôi, tôi thấy những cây lan này lúc nở hoa, quả là rất đẹp, rất đáng quý, tuy nhiên mọi người cũng cần phải lưu ý rằng hiện nay trong các sản phẩm hoa nói riêng và các sản phẩm sinh vật cảnh nói chung còn rất nhiều các loại hoa, loại sinh vật cũng rất quý, rất hiếm. Đất nước Việt Nam chúng ta có tới hàng ngàn loại lan và loài lan nào cũng có thể sinh ra cá thể biến dị (trong đó bao gồm cả biến dị đột biến hoặc biến dị tái tổ hợp), nếu lại có 1 số người khác do yêu, quý 1 loại hoa nào đó, mà tạo ra những “cơn sốt” về giống lan đó thì không biết dư luận sẽ ra sao?.
Hiện nay nhiều người đang lao vào và tìm mọi cách để nhân nhanh, phát triển những cây lan đột biến, nên những yêu hoa - nếu chưa có điều kiện tiếp cận được những giống lan đột biến này thì hãy chờ thêm 1 thời gian, lúc đó sẽ có nhiều cây lan đẹp tương tự, giá hạ hơn, đáp ứng nhu cầu cho mọi người.
Nếu ai đó sốt ruột, muốn sớm sở hữu chậu lan đột biến đẹp thì hãy tìm đến những cơ sở nuôi trồng, nhân giống tin cậy để được lựa chọn nguồn giống, tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc phù hợp với điều kiện của mình.
PV: Với góc độ nhà khoa học nghiên cứu về cây hoa, ông có nhận định thế nào về định hướng phát triển các giống lan Phi điệp đột biến ở Việt Nam?
Việt Nam chúng ta là đất nước rất giàu tài nguyên thiên thiên và rất đa dạng về sinh học, chúng ta đang sở hữu hàng ngàn loài lan vô cùng quý, hiếm (chỉ có ở Việt Nam), trong đó có 1 số loài có nguy cơ cạn kiệt, chính vì vậy việc bảo tồn và phát triển các loài lan này không những là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học mà còn là nhiệm vụ của toàn dân. Giống lan Phi điệp đột biến (theo đúng nghĩa) từ trong rừng cũng là 1 trong những tài nguyên quý giá này.
Những người thực sự yêu hoa, quý hoa lan Phi điệp đột biến nói riêng và yêu, quý các loại hoa khác nói chung, muốn phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, mang lại lợi ích cho mình và cho cộng đồng, điều này vô cùng đáng trân trọng. Nhà nước, các nhà khoa học, các tổ chức sinh vật cảnh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ, để người dân có thể phát triển ngành sản xuất hoa lan của Việt Nam lên thành 1 “cường quốc sản xuất, xuất khẩu hoa” như mong ước của bao người.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cộng thêm sự đam mê, nhiệt tình của những người yêu hoa, tôi tin chắc trong tương lai không xa, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được ước mơ này.
Tuy nhiên trước mắt, để khai thác và phát triển các dòng lan đột biến tự nhiên, chúng ta cần phải tuân thủ các điều khoản về đã được quy định trong các Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 06/2019/NĐ của Chính phủ ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Đặc biệt những người sản xuất, kinh doanh cây trồng nói chung và hoa lan đột biến nói riêng cần phải tuân thủ các quy định trong Luật trồng trọt số 31/2018/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) trong đó điều 9 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt đó là: (1) Sản xuất, buôn bán giống cây trồng chưa tự công bố lưu hành, (2) Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán, hoặc sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, (3) Cung cấp thông tin về giống cây trồng sai lệch với thông tin tự công bố.
Xin cám ơn ông.
PV
Tin tức khác